Mình vừa đọc xong một cuốn sách nữa của Clayton Christensen là How will you measure your life?. Tựa đề dịch nôm na là "Bạn đánh giá cuộc đời bạn như thế nào?". Link sách tiếng Việt tại đây.
Mình rất thích cuốn The Innovator's Dilemma và mình nghĩ mình thích khoảng 80% nội dung của cuốn sách tiếp theo này. Có lẽ vì mình cũng làm dân làm nghiên cứu. Mình thích cái cách mà lý thuyết có thể coi như lăng kính đến nhìn nhận và đánh giá nhiều vấn đề khác, đặc biệt là nhìn nhận từ một góc nhìn khác. Cuốn sách này đưa ra nhiều lý thuyết hay để cố gắng trả lời câu hỏi trên. Và thay vì đưa ra câu trả lời theo kiểu bạn nên làm gì, những lý thuyết đó giúp định hướng xem mình nên nghĩ về nó như thế nào. Đọc cuốn sách này giúp cho khi nhìn thấy mấy câu nói truyền cảm hứng hoặc than phiền, mình nên nghĩ về những câu nói đó như thế nào một cách rõ ràng hơn.
Có ba phần chính trong cuốn sách, đề cập đến ba khía cạnh: hạnh phúc trong công việc, hạnh phúc trong những mối quan hệ của bản thân, và tính chính trực và tránh ngồi tù. Hầu hết các phần mình đều thích, vài phần thì 50-50. Việc thích hay không thích có lẽ cũng liên quan đến việc câu hỏi được đề cập mang tính cá nhân nhiều hay ít. Dù đọc phần nào thì mình cũng thấy hữu ích khi mình luôn nghĩ xem mình đồng ý hay không đồng ý với tác giả ở mức độ nào, rồi đọc tiếp.
Về hạnh phúc trong công việc, cái mình thích nhất là mặc dù cuốn sách cũng bắt đầu bằng việc tìm công việc thực sự cuốn hút bạn, tác giả không nhấn mạnh vào cái passion (nôm na là niềm đam mê mãnh liệt) này nọ. Thay vào đó, cuốn sách đưa ra vấn đề là việc thỏa mãn và bất mãn trong công việc là hay phạm trù riêng biệt (nói là bất mãn thì hơi quá, nhưng vẫn khá đúng). Đối ngược với bất mãn trong công việc không phải là thỏa mãn, mà đó chỉ là việc không bị bất mãn. Mình có thể bị bất mãn nếu lương quá thấp, nhưng lương rất cao không có nghĩa là mình thỏa mãn với công việc đó, và ngược lại. Sau đó cuốn sách đưa ra lý thuyết về động lực. Nói nôm na thì lý thuyết này nói rằng có các yếu tố làm sạch (hygiene factors, chưa biết nên dịch thế nào cho xuôi tai) và các yếu tố thúc đẩy (motivation factors). Các yếu tố làm sạch là những thứ cần được giải quyết để chúng ta không bị bất mãn. Một số ví dụ bao gồm địa vị, lương thưởng, tính ổn định của công việc, điều kiện làm việc, chính sách của công ty, hoặc các công ty giám sát nhân viên. Các yếu tố thúc đẩy là những thứ khiến chúng ta thực sự cảm thấy thỏa mãn sâu sắc, những thứ khiến chúng ta yêu thích công việc của mình. Một số ví dụ bao gồm công việc mang tính thách thức, công việc ta làm được mọi người công nhận, trách nhiệm trong công việc, hoặc việc phát triển bản thân. Tất nhiên là mỗi cá nhân sẽ có danh sách riêng với thứ tự ưu tiên cho các yếu tố này. Vậy làm sao để tìm được công việc thỏa mãn như vậy? Chà, tiếp tục giữ cân bằng giữa các yếu tố này và tiếp tục tìm kiếm.
Phần nói về hạnh phúc trong những mối quan hệ của bản thân thực sự rất phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng người. Thế nên, một cách rất tự nhiên, nhiều phần cuốn sách này nói mình không cảm thấy thực sự đồng cảm. Nhưng mình rất thích việc áp dụng mô hình Resource-Process-Priority (Tài nguyên-Quy trình-Ưu tiên) ở đây. Đây là những thứ mà mô hình này coi là miêu tả đầy đủ một công ty và cấu thành văn hóa của công ty đó. Mô hình này cũng rất phù hợp khi áp dụng cho việc hình thành văn hóa của mỗi gia đình và văn hóa đối xử với những người xung quanh. Đâu sẽ là những ưu tiên mà mình muốn gia đình mình (bao gồm cả con cháu sau này) hướng đến? Giàu có? Tử tế? Mạnh mẽ? Rộng lượng? Có trách nhiệm? Biết suy nghĩ? Yêu lao động? Mình sẽ dành những thứ gì (ví dụ như tiền bạc, thời gian, sức khỏe), dành bao nhiêu, và phân phối những tài nguyên đó ra sao để mà những gì mình làm hướng theo những ưu tiên của mình và gia đình? Khi nào thì mình nên bắt đầu đầu tư những thứ này? Chậc, có rất nhiều thứ để nói và được nói đến trong phần này của cuốn sách.
Về tính chính trực và tránh ngồi tù, nói ngắn gọn và đơn giản, hầu hết những người rơi vào tình trạng tệ hại (và có thể ngồi tù) đều bởi những sai lầm tưởng như nho nhỏ mỗi lần. Và rồi như vết trượt dài, những sai lầm nho nhỏ đó tích tụ thành sai lầm rất lớn.
Mình đã tóm tắt ngắn gọn lại một số điểm mình thích khi sau đọc cuốn sách này. Rất khuyến khích mọi người đọc và hy vọng có cơ hội cùng thảo luận.