Thế tiến thoái lưỡng nan của những người sáng tạo

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Cuối cùng thì mình cũng đọc cuốn The Innovator's Dilemma. Sách dịch tiếng Việt ở đây. Một cuốn sách cực hay, đặc biệt cho người quan tâm đến công nghệ như mình. Tác giả đưa ra một lý thuyết mới (mới trong bối cảnh năm 1997). Với người làm nghiên cứu như mình, mình luôn thích những lý thuyết hay, và cuốn sách này thực sự đưa cho mình một lý thuyết rất hay.

Đây vừa là cuốn sách về quản lý, vừa là cuốn sách về "công nghệ". Cuốn sách tập trung vào hai câu hỏi: "Tại sao lại khó duy trì thành công?" và "Liệu rằng những sáng tạo đem lại thành công có thực sự khó dự đoán được trước, giống như dữ liệu đã cho ta thấy?". Mình rút ra một số điểm chính:

  • Những công ty lớn và thành công thường xử lý rất tốt những sáng tạo mới cần có để duy trì thành công của họ (như duy trì thị trường, quy trình sản xuất, giá trị, ...) nhưng lại gần như bị tê liệt trước những sáng tạo có khả năng phá vỡ hoàn toàn sự thành công của họ. Lý do là ở thời gian đầu, những sáng tạo kiểu này thường không cho thấy chúng có gì nguy hiểm với những công ty kia: chúng nhắm đến những mục tiêu rất khác (ví dụ như thị trường khác, quy trình sản xuất khác, giá trị khác, ...)
  • Tốc độ tăng của nhu cầu của thị trường thường chậm hơn so với tốc độ cải tiến của công nghệ. Thế nên những sáng tạo kiểu phá vỡ như vậy thường bắt đầu bằng các thị trường tầm thấp, lợi nhuận thấp hơn (nói chung là không ảnh hưởng gì đến thị trường chiến lược của các công ty lớn), và sau đó xâm nhập vào các thị trường cao cấp.
  • Cuốn sách cũng đưa ra một số các để xác định những sáng tạo kiểu phá vỡ như vậy và cách để khai thác những nguyên lý từ lý thuyết này thay vì chống lại những nguyên lý đó.